Italy đến nay ghi nhận hơn 35.000 ca nhiễm nCoV và hơn 2.900 ca tử vong. Số người chết vì nCoV ở Italy chiếm hơn 1/3 số ca tử vong toàn cầu. Nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Trong vòng một tháng, Italy từ chỗ chỉ báo cáo ba ca nhiễm đã trở thành nước ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trong khi dịch bệnh ở Trung Quốc đã dần được kiểm soát, cuộc khủng hoảng tại Italy vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân nhiễm nCoV trên cáng cách ly tại phòng khám Columbus ở Rome, Italy, ngày 16/3. Ảnh: Reuters . |
"Chúng ta phải từ bỏ một số thứ vì lợi ích của đất nước", Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hồi tuần trước nói khi thông báo áp lệnh phong tỏa toàn quốc. "Không còn thời gian nữa", ông nhấn mạnh.
Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Italy vào ngày 20/2, khi một người đàn ông 38 tuổi nhập viện ở thị trấn Codogno, vùng Lombardy, và được xét nghiệm dương tính với nCoV, trở thành ca nhiễm đầu tiên ở nước này. Tuy nhiên, giới chức y tế tin rằng virus đã xâm nhập Italy từ trước khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện.
"Virus có lẽ đã tồn tại một thời gian khá lâu rồi", Flavia Riccardo, nhà nghiên cứu tại Khoa Truyền nhiễm Viện Y tế Quốc gia Italy, cho hay. "Nó diễn ra đúng lúc chúng ta đang ở trong đỉnh dịch cúm mùa và mọi người đều biểu hiện những triệu chứng cúm".
Trước ca nhiễm nCoV đầu tiên, một bệnh viện ở Codogno, phía bắc Italy, đã tiếp nhận lượng bệnh nhân mắc viêm phổi cao bất thường, trưởng khoa cấp cứu Stefano Paglia nói với báo La Repubblica . Khả năng đây là những bệnh nhân nhiễm nCoV nhưng được điều trị như mắc cúm mùa. Các cơ sở y tế chữa trị cho những bệnh nhân này có thể trở thành ổ lây nhiễm, khiến virus lây lan nhanh hơn.
Các vùng Lombardy, Veneto và Emilia-Romagna ở phía bắc Italy là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, chiếm hơn 80% số ca nhiễm và hơn 90% số ca tử vong.
Một số chuyên gia y tế cho rằng Italy báo cáo nhiều ca nhiễm như vậy là bởi virus lây lan mà không được phát hiện sớm. "Dịch khởi phát khi không ai để ý đến nó và đến lúc chúng ta nhận ra, đã xuất hiện vô số chuỗi lây nhiễm ở khắp nơi ", Riccardo suy đoán.
Nhiều quan chức lập luận rằng Italy ghi nhận số ca nhiễm cao bắt nguồn từ thực tế là họ tiến hành xét nghiệm virus nhiều hơn các nước khác ở châu Âu.
Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong vì nCoV của Italy đang đứng ở mức 8%, cao gấp hai lần mức trung bình thế giới. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân tử vong vì virus là 81, theo Viện Y tế Quốc gia.
Italy là một trong những nước có dân số già nhất thế giới và theo giới chuyên gia, đây cũng là một phần nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng Covid-19 trở nên nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy nCoV gây nguy hiểm hơn đối với người già và những người có các bệnh lý nền.
"Italy là nước già nhất trong lục địa già nhất thế giới", Lorenzo Casani, giám đốc y khoa tại một phòng khám cho người cao tuổi ở Lombardy, nhận xét. "Chúng ta có rất nhiều người trên 65 tuổi".
Casani nhận định tỷ lệ tử vong của Italy có thể cao hơn mức trung bình thế giới bởi họ chỉ xét nghiệm những trường hợp nghiêm trọng. "Chúng ta đang làm chưa đủ", ông nói.
Casani cho biết tình trạng ô nhiễm ở khu vực phía bắc Italy có khả năng là một yếu tố khiến tỷ lệ tử vong cao. Theo một báo cáo do nền tảng theo dõi chất lượng không khí IQAir của Thụy Sĩ công bố, 24 trong 100 thành phố ô nhiễm nhất châu Âu nằm ở Italy.
"Nghiên cứu cho thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa tỷ lệ tử vong do bệnh bắt nguồn từ virus đường hô hấp và ô nhiễm", ông nói.
Bệnh nhân nhiễm nCoV được điều trị trong phòng chăm sóc tích cực thuộc một bệnh viện vùng Lombardy hôm 17/3. Ảnh: AFP . |
Việc dịch bùng phát nghiêm trọng ở Italy gây ngạc nhiên cho không ít người bởi thực tế, nước này đã theo đuổi những biện pháp tương đối nghiêm ngặt nhằm bảo vệ người dân trước nCoV. Một tuần trước khi ca nhiễm virus đầu tiên được báo cáo, Bộ Y tế Italy đã thành lập một nhóm chuyên trách ứng phó với Covid-19. Italy cũng là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) cấm các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Tuy nhiên, lệnh cấm di chuyển dường như đã thúc đẩy hành khách thực hiện những chuyến bay quá cảnh và che giấu nơi khởi hành của họ.
Italy đang thực hiện những bước đi quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo lệnh phong tỏa mới, người dân có thể bị phạt nếu di chuyển trong nước hoặc ra nước ngoài khi chưa được cấp phép. Tất cả các sự kiện công cộng đã bị hủy, Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog trường học đóng cửa trên cả nước. Các không gian công cộng, như phòng tập thể hình, rạp chiếu phim, rạp hát cũng đã bị yêu cầu ngừng hoạt động. Cá nhân nào chống lệnh phong tỏa có thể bị phạt ba tháng tù hoặc nộp phạt 234 USD. Những quy định mới còn cấm thăm viếng tù nhân, gây ra biểu tình tại 27 nhà tù trên khắp đất nước.
Hành động của Italy đã nhận được nhiều sự tán thưởng. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khen ngợi Italy trên Twitter vì "những bước đi can đảm, táo bạo" cùng "sự hy sinh".
Dù vậy, một số chuyên gia y tế công cộng và bệnh truyền nhiễm lại bày tỏ lo ngại về hiệu quả của biện pháp phong tỏa.
"Những biện pháp này có thể phát huy hiệu quả trong ngắn hạn", John Edmunds, giáo sư Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, nhận định, song lưu ý rằng chúng "chắc chắn không bền vững".
"Nếu chúng không bền vững về dài hạn, tất cả những gì họ làm chỉ là trì hoãn dịch bệnh trong một khoảng thời gian", ông nói.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia (SSN) của Italy hiện cung cấp dịch vụ miễn phí cho tất cả bệnh nhân, song vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Đầu tư vào y tế công cộng chỉ chiếm 6,8% GDP, thấp hơn các nước khác ở châu Âu như Đức hay Pháp.
"Việc cắt giảm ngân sách dành cho chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu rõ ràng đã gây ra vấn đề", Casani nói. "Chúng ta không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng ta không có đủ bác sĩ điều trị. Chúng ta không có kế hoạch rõ ràng ứng phó với đại dịch".
Khi số ca nhiễm nCoV tiếp tục tăng, Bộ Y tế Italy đã tăng gấp đôi giường bệnh tại các khoa truyền nhiễm. Thống đốc vùng Lombardy Attilio Fontan yêu cầu các trường đại học y khoa cấp bằng sớm hơn vào đầu năm nay nhằm gia tăng số lượng y tá. Nhưng nhiều quan chức y tế lo ngại những nỗ lực này là chưa đủ.
"Hiện tại ở Lombardy, chúng tôi không có giường trống tại các khoa chăm sóc đặc biệt", Casani cho hay và thêm rằng các bác sĩ "đang phải đưa ra lựa chọn tồi tệ là quyết định xem ai sẽ sống và ai không, ai sẽ được theo dõi sức khỏe, chạy máy thở và nhận được sự chăm sóc mà họ cần".
Vũ Hoàng
(Theo
Time
)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét